Tiêu đỏ: “Hái” nhiều tiền hơn

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt trên 100 ngàn tấn mỗi năm. Trong đó, Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước, khoảng 4.000 ha, với sản lượng mỗi năm đạt trên 13 ngàn tấn. Tuy nhiên, sản phẩm chính của chúng ta vẫn là loại tiêu đen và một phần tiêu sọ nên giá trị xuất khẩu thấp hơn so với các nước.

Giá trị kinh tế cao

Vườn tiêu ở huyện Chư Sê, Gia Lai

Để nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế, Công ty TNHH Hùng Hưng sau nhiều năm nghiên cứu đã cho ra đời sản phẩm tiêu đỏ. Trước đây, sản phẩm tiêu đỏ chỉ tập trung từ các nhà sản xuất Ấn Độ.

Ông Nguyễn Văn Quéo, Giám đốc Công ty Hùng Hưng cho biết, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm tiêu đỏ không khác gì mấy so với sản xuất tiêu đen. Có điều, người dân trồng tiêu khi thu hoạch phải để tiêu chín, bảo quản để tránh giập, vỡ. Sau đó, tiêu được tách cọng, loại tạp chất, sấy và đóng gói sao cho tiêu vẫn giữ nguyên màu đỏ.

Nếu tuân thủ đúng quy trình thu hoạch và chế biến thì tiêu đỏ có giá trị kinh tế cao hơn tiêu đen rất nhiều. “Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2007, công ty đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ đồng. Riêng sản phẩm tiêu đỏ, thị trường tiêu thụ hiện nay đang rất khả quan”, ông Quéo cho hay.

Thông thường, cứ 3 ký tiêu xanh thì cho ra 1 ký tiêu đen, bán giá khoảng 55 ngàn đồng; còn nếu để chín thu hoạch thì 2,5 ký tiêu xanh cho được 1 ký tiêu đỏ, giá bán trên 65 ngàn đồng. Như vậy người trồng tiêu được lợi hơn rất nhiều, tất nhiên họ phải thu hoạch khá nhiều lần theo hình thức cuốn chiếu. Để có được nguyên liệu chế biến, Công ty Hùng Hưng đã tổ chức hướng dẫn người trồng tiêu trên địa bàn của các tỉnh Gia Lai và các vùng lân cận cách thức trồng, chăm sóc, thu hoạch đồng thời công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Cung không đủ cầu

Đang hái những hạt tiêu chín đỏ đầu mùa trong vườn nhà, ông Thái Bá Thủy, một nông dân trồng tiêu lâu năm ở huyện Chư Sê, không giấu được niềm vui cho chúng tôi biết: “Gia đình tôi hiện trồng được hơn 2.000 trụ tiêu giống Gio Linh – Quảng Trị. Năm vừa rồi, thu hoạch bán được trên 700 triệu đồng.

Nhưng năm nay theo hướng dẫn của Công ty Hùng Hưng, gia đình tôi không hái tiêu xanh mà tập trung thu hoạch tiêu đỏ, chất lượng sẽ cao hơn. Nếu tính giá tiêu đỏ như hiện tại là 65.000/kg, thì năm nay gia đình tôi sẽ thu nhập được trên 1 tỷ đồng”. Giống như ông Thủy, ở huyện Chư Sê, có nhiều gia đình đã bỏ hình thức thu hoạch truyền thống, bán tiêu đen chất lượng thấp, chuyển sang trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến tiêu đỏ có giá trị kinh tế cao hơn.

Từ năm 2005 đến nay, Công ty Hùng Hưng đã chế biến được gần 30 tấn sản phẩm tiêu đỏ. Năm 2007, Công ty Hùng Hưng dự tính sẽ cung cấp khoảng 20 tấn tiêu đỏ cho thị trường thế giới nhưng xem ra cung vẫn không đủ cầu. “Dù vậy, doanh nghiệp chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ thông tin về ngành hàng, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có định hướng kịp thời”, ông Quéo tâm tư.

Tháng 8-2007, sau khi thực tế kiểm tra quá trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm tiêu đỏ của công ty, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận tiêu đỏ của Hùng Hưng là mặt hàng nông sản chất lượng cao năm 2007. Tháng 9-2007 vừa qua, tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Gia Lai lần thứ 3, sản phẩm tiêu đỏ đã đoạt giải nhì. Như vậy, sản phẩm tiêu đỏ Việt Nam đã thực sự có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Related posts